Thiên nhiên không ban nhiều đặc ân cho Quy Nhơn, nhưng cũng đủ để níu chân du khách bằng truyền thống văn hóa đất võ, những di tích, bãi tắm nhỏ nước trong vắt và đồi cát vàng óng.
Những “bữa tiệc” bãi biển
Chỉ mất một tiếng mười lăm phút bay, Quy Nhơn đón du khách bằng sự bình yên kỳ lạ. Không ồn ã, đông đúc như Đà Nẵng, Nha Trang, Vũng Tàu hay Phan Thiết,... thành phố này rất vắng vẻ và tĩnh lặng. Phố xá rộng thênh thang. “Quy Nhơn không bao giờ biết đến tắc đường, kể cả vào giờ tan tầm” - bác tài taxi tự hào giới thiệu.
Dọc phố chính là đường biển chạy dài hình bán nguyệt tuyệt đẹp, ôm vòng quanh thành phố. Bên kia đường, một khuôn viên rộng hàng chục mét với bãi cỏ, cây xanh,... cũng chạy dài nhiều cây số, tạo nên bầu không khí trong lành, mướt mát.
Đến đây, du khách có thể tắm biển ngay ở những bãi gần trung tâm mà không phải đi xa, như bãi Quy Nhơn, bãi Hoàng Hậu (hay bãi Trứng), bãi Xép, bãi Dại,... nhưng chúng tôi quyết định khám phá nhiều bãi biển khác, để có thêm trải nghiệm mới lạ.
Bãi tắm trên đảo Hòn Khô, với 2 cái chòi duy nhất ngư dân dựng lên để khách du lịch ở lại ăn uống, nghỉ ngơi và vui chơi (ảnh N.H) |
San hô nhìn rõ nhờ làn nước trong vắt (ảnh trên, bên trái) và các món ăn đặc sản biển Quy Nhơn, được dân địa phương phục vụ tận bàn |
Chúng tôi chọn Hòn Khô - một trong số 32 hòn đảo nổi tiếng ở Quy Nhơn, cách trung tâm thành phố khoảng 16 km. Taxi đến nơi, chúng tôi thuê một chiếc ca nô ra đảo, chạy chưa đầy 20 phút đã tới bãi san hô. Nước biển xanh trong tận đáy nên từ ca nô, bạn có thể thấy những cụm san hô màu sắc ẩn hiện. Vẻ đẹp của san hô, với làn nước trong vắt, quyến rũ đã thắng nỗi sợ hãi của một vài người trong đoàn vốn không biết bơi. Chúng tôi mặc áo phao và lội xuống nước, bất chấp cả việc bị san hô cào xước chân, chảy máu. Ngắm lặn chán, cả đoàn quay trở lại bãi tắm, dưới chân cát trắng phẳng lì, rất chắc và mịn.
Đói, chúng tôi được thưởng thức đặc sản biển Quy Nhơn ngay trên bãi biển. Có lẽ, sau bữa tiệc cá dìa nướng, cua đá hấp được chế biến ngay trên bãi biển hoang sơ ở đảo Bé Lý Sơn (Quảng Ngãi), thì đây là bữa tiệc thứ hai ấn tượng không kém khi chúng tôi được nếm đặc sản biển Quy Nhơn, như tôm hùm, ghẹ, nhum (cầu gai),... các loại ốc nổi tiếng như ốc mặt trăng, ốc đá, ốc nón và cá dìa, cá mú,... Những con mực đang bơi được bắt lên nướng tại chỗ, ngon ngọt chưa từng thấy.
Rất tiếc, vì chuyến đi có 3 ngày và đã mất gần 1 ngày ở Hòn Khô nên chúng tôi không kịp đi đảo Kỳ Co (Nhơn Lý), cách Quy Nhơn chừng 25km. Người dân địa phương mách rằng hòn đảo này cũng rất tuyệt vời, bởi ở đó chưa hề có dân sinh sống nên rất hoang sơ và sạch sẽ. Nếu quay lại đây, chúng tôi sẽ tiếp tục ra đảo để mở tiệc trên bãi biển, để được đắm mình trong thiên nhiên kỳ thú.
Bãi biển ở Quy Nhơn |
Đến Quy Nhơn, du khách còn bất ngờ bắt gặp những bãi tắm hoang cũng vô cùng hấp dẫn. Ví như, đang trên đường đi Nhơn Lý, Eo Gió, vô tình thấy một bãi tắm thấp thoáng, hãy bảo bác tài xế dừng lại. Chỉ cần băng qua một rừng phi lao chừng 300m là bắt gặp một bãi tắm tuyệt vời, không một bóng người.
Hay trên đường đi Ghềnh Ráng, có một lối nhỏ rẽ xuống bãi Rạng cũng rất đẹp mà ít người du khách biết tới, nếu không được dân bản địa nói.
Ngoài những bãi tắm hoang sơ, khách tới đây cũng được tìm hiểu những nét đặc trưng của văn hóa Bình Định qua chuyến tham quan bảo tàng Quang Trung, xem múa võ Bình Định, thăm viếng mộ Hàn Mặc Tử tại khu du lịch Ghềnh Ráng, ghé qua bệnh viện phong Quy Hòa,... Khu du lịch Hầm Hô, Eo Gió,... cũng là những địa điểm nên ghé qua.
Nhưng, một trải nghiệm bạn không nên bỏ qua là trượt cát ở Nhơn Lý, hoặc leo trèo chơi đùa trên những đồi cát vàng óng cho thỏa thích, để chụp những tấm ảnh kỷ niệm trên nền trời xanh, cát vàng ngút mắt,.. để tự hào khoe rằng, đồi cát ở đây đẹp chẳng kém gì ở Mũi Né, Phan Thiết.
Nếu có nhiều thời gian hơn, khách du lịch có thể thuê xe chạy thêm 70 km đi Tuy Hòa (Phú Yên), thăm Ghềnh Đá Đĩa, Đầm Ô Loan,...
Sự quá tải và nỗi lo quy hoạch
Sáng ngày thứ ba, đoàn chúng tôi thu xếp để trưa trở về Hà Nội. Mới là thứ năm, nhưng tại một resort khá nổi tiếng ở Quy Nhơn, khách đã rất đông, phải xếp hàng chờ để ăn buffet sáng. Nhân viên ở đây đã phải dọn thêm bàn ra ngoài hiên cho khách ngồi.
Hầu hết khách du lịch đến Quy Nhơn là người Hà Nội. Theo một con số không chính thức, người dân Thủ đô chiếm tới 70% lượng khách du lịch tại đây.
Đồi cát Nhơn Lý - địa điểm lý tưởng để trượt cát và dạo chơi, chụp ảnh. |
Đặc biệt, dịp lễ 30/4-1/5 năm nay, thành phố biển này trở nên quá tải trước “cơn lốc” khách du lịch ào đến. Sau dịp đó, lượng khách tới Quy Nhơn tăng đột biến.
Thông tin trên tờ báo địa phương cho thấy, nếu trước đây, một năm chỉ vài dịp cao điểm là hết phòng, hầu như quanh năm đều là “mùa thấp điểm” thì từ đầu 2015 đến nay, chưa tính những ngày lễ, lượng khách đến Quy Nhơn đã tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm 2014. Công suất bình quân khách sạn xấp xỉ 70%/năm.
Năm nay, thành phố biển đặt mục tiêu đón 2,5 triệu lượt khách du lịch và tham vọng 5 năm tới, con số này sẽ tăng gấp 4, lên 8-10 triệu lượt.
Vì thế, để phục vụ du khách, 32 dự án xây khu du lịch, khu nghỉ dưỡng,... đang được gấp rút triển khai ở Quy Nhơn. Tuy nhiên, đi kèm đó là nỗi lo về quy hoạch: liệu những khu du lịch, khu nghỉ dưỡng này có đảm bảo sẽ không phá vỡ cảnh quan thiên nhiên - nét hoang sơ - vốn là yếu tố chính quyến rũ du khách đến Quy Nhơn?
Đó là chưa kể, sân bay Phù Cát dường như đang phải gồng mình đón lượng khách đến/đi ngày càng đông, trong khi nó đã quá cũ, chật chội, nóng nực, chỉ có duy nhất một cửa kiểm tra an ninh, một cửa ra sân bay,... và từ đầu năm nay mới bắt đầu triển khai dự án nâng cấp. Đường từ sân bay về trung tâm thành phố vẫn đang trong quá trình sửa chữa, nâng cấp, đi lại khó khăn.
Rồi tình trạng xả rác bừa bãi trên bãi biển, trong khi người dân còn thiếu kiến thức về phát triển du lịch bền vững và chính quyền chưa bố trí những thùng rác nơi công cộng,...
Nhìn chung, Quy Nhơn còn có quá nhiều việc phải làm để vừa phục vụ được lượng khách đổ đến ngày càng đông, vừa bảo toàn được sự bình yên, mộc mạc, nét quyến rũ rất riêng của một vùng biển hoang sơ.